Hà Giang với nhiều địa danh như Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh là điểm đến lý tưởng vào mùa thu khi thời tiết đẹp, chưa quá lạnh, ruộng bậc thang chuyển vàng. Do khoảng cách xa (Hà Nội cách TP Hà Giang 280 km và cách Lũng Cú gần 450 km), đường đi khó nên hành trình Hà Giang thường phải mất 5-6 ngày mới có thể trải nghiệm trọn vẹn.

Với riêng Đồng Văn, du khách nên dành ít nhất hai ngày. Gợi ý dưới đây của Thu Phương, một du khách đã nhiều lần đến Hà Giang, theo hành trình từ Phố Cáo - Phó Bảng - Sủng Là - nhà Vương - Lô Lô Chải - Lũng Cú và tới trung tâm thị trấn. “Những nơi này đều có đường bê tông, di chuyển được bằng ôtô hoặc xe máy thuận tiện”, Phương cho hay.

Ngày 1

Buổi sáng và trưa

Bắt đầu hai ngày dạo chơi Đồng Văn bằng bữa sáng ở Phố Cáo.

”Nếu bạn đến Phố Cáo vào phiên chợ, hãy đi một vòng để có được bữa sáng no bụng”, Phương cho hay. Các món gợi ý gồm có xôi ngũ sắc, bánh bò, thắng cố, lạp xưởng, thịt gác bếp, cơm lam, cháo ấu tẩu, rượu ngô. Nếu không gặp phiên chợ, du khách vẫn có thể tìm được các món ăn này rải rác trong xã.

Hành trình tiếp tục đến các địa danh khác trên trục QL4C, mỗi điểm sẽ mất khoảng 1-3 tiếng, khoảng cách giữa các điểm gợi ý khoảng 15-35 km.

Đến Phó Bảng du khách sẽ có cảm giác thời gian trôi chậm. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Hoa và Mông với hơn 500 nhân khẩu. Thị trấn vẫn giữ được vẻ đơn sơ, bình dị và cổ kính. Phó Bảng có phần tách biệt và ít được biết đến. “Để vào thị trấn, từ QL4C bạn phải đi thêm gần 5 km”, Phương nói.

Hoa tam giác mạch nở từ tháng 10 ỏ Sủng Là. Ảnh: Thu Phương

Sủng Là nằm dưới những vách núi đá tai mèo. Đồng bào dân tộc Mông ở Sủng Là thường trồng tam giác mạch ở các triền đồi cao, hoa sẽ nở rực rỡ vào khoảng tháng 10 và 11. Ở Sủng Là có “Nhà của Pao”, căn nhà của người dân xây dựng năm 1947, chính là bối cảnh cho phim “Chuyện của Pao”. Khoảng sân trước nhà lát đá, trồng mận, mơ, đào, những loài cây đặc trưng của vùng. Căn nhà có kiến trúc đẹp, cảnh quan sẽ còn đẹp hơn ào mùa hoa mơ, đào, mận nở. Điểm đến này thu phí 10.000 đồng mỗi khách.

Hành trình dọc QL4C tiếp tục với Khu dinh thự nhà Vương, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng kiến trúc nhà Thanh (Trung Quốc). Dinh thự có hình mai rùa với những hàng cây sa mộc vươn cao. Hai vòng tường bao xây bằng đá hộc, có lỗ châu mai và bốt canh. Dinh có ba nhà sàn. Nhà chính quay mặt ra cổng, hai nhà phụ song song và vuông góc với nhà chính. Cả ba ngôi nhà từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý.

Rời dinh thự nhà Vương, du khách tiếp tục đi theo QL4C tới ngã ba Ma Lé rẽ trái vào đường Lũng Cú. Thôn Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú.

Buổi chiều tối

Ăn tối và nghỉ đêm ở thôn Lô Lô Chải, nơi những gia đình người Lô Lô, người Mông sinh sống. Đây là nơi gần như vẫn lưu giữ được trọn vẹn nét văn hóa xưa, từ đời sống vật chất, tinh thần, kiến trúc nhà trình tường mái lợp ngói máng, các nghề truyền thống như thêu, làm mộc hay các lễ hội, các điệu múa dân gian.

Một phòng ở của Lolo Village Homestay.

Tại đây có nhiều homestay, trong đó Lolo Village Homestay được nhiều du khách chọn do vị trí đẹp, có thể nhìn ra cột cờ Lũng Cú. “Nơi này có 7 phòng ngủ, giá dao động từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng cho phòng từ 2 đến 4 người ở”, Phương cho biết.

Ngày 2

Buổi sáng và trưa

Sáng thức dậy sớm trong không khí trong lành của vùng núi phía Bắc. Nếu đến đây vào mùa đông, thời tiết sẽ rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thể xuống 0, thậm chí có cả băng giá, ảnh hưởng tới việc di chuyển, trải nghiệm. Nhưng hiện thời tiết ở Hà Giang mát mẻ, nhiệt độ thấp nhất chừng 20 độ C.

Ăn sáng và cà phê tại quán Cực Bắc. Quán nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc chưa đến 1 km. Đây là một địa chỉ không thể bỏ qua khi đến điểm cực Bắc của tổ quốc. Quán do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng có nhiều năm sống ở Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang xây dựng và mở cửa từ năm 2015, sau đó giao lại cho một gia đình người Lô Lô quản lý.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ thôn Lô Lô Chải. Ảnh: Thu Phương

Sau khi nghỉ ngơi, du khách thong thả di chuyển tới cột cờ Lũng Cú. “Để lên đỉnh cột cờ, bạn sẽ phải leo hơn 800 bậc, vì thế nên đi giày đế bằng để tiện di chuyển. Các bậc thang lên cột cờ chia làm ba chặng, mỗi chặng sẽ có khu nhà chờ để nghỉ chân hoặc ngắm cảnh”, Phương cho hay.

Đứng trên đỉnh núi Rồng từ cột cờ, du khách sẽ thấy khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hai hồ nước được coi là hai mắt rồng - vết tích của hai hố sụt. Đây là hai hồ nước hiếm hoi ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Vé tham quan cột cờ cho người lớn 25.000 đồng, trẻ em miễn phí.

Buổi chiều tối

Trở về trung tâm thị trấn Đồng Văn, khoảng cách 35 km, du khách dạo phố cổ và uống cà phê ở quán Phố Cổ.

Đây là ngôi nhà nằm ở góc chợ ngay trung tâm thị trấn Đồng Văn, trong một ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm, dựa vào lưng núi, là một trong số ít những căn nhà cổ còn tồn tại đến ngày nay ở Đồng Văn, mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống bản địa giao thoa kiến trúc người Hoa. Đồ uống là những món đặc trưng như cà phê, trà với giá dao động từ 25.000 đồng đến 55.000 đồng.

Món bánh cuốn đặc trưng ở Hà Giang. Ảnh: Xuân Phương

Buổi tối, hãy ăn món bánh cuốn trứ danh của Hà Giang ở quán bà Hà tại 31 Phố Cổ. Đây là hàng bánh cuốn có từ ba đời, được dùng cả trong bữa sáng hoặc bữa tối. Khác với bánh cuốn chấm nước mắm ở nhiều vùng, bánh cuốn Hà Giang ăn cùng nước dùng ninh bằng xương lợn nên có vị ngọt thanh. Theo người dân địa phương, vì khí hậu miền núi lạnh, ăn bánh cuốn với nước canh sẽ ấm người. Quán có cả xôi ngũ sắc. Một bữa ăn khoảng từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng.

Xung quanh khu phố cố còn nhiều món ăn nên thử khác như xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu, thích hợp cho bữa tối muộn. “Quán cháo Mộc Miên là một địa chỉ gợi ý”, Thu Phương cho hay.